Tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân – Sâu Sắc và Thực tiễn (phần cuối)

Tiếp theo nội dung bài trước, add chia sẻ thêm phần cuối bài viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân – Sâu sắc và Thực tiễn” ở những giá trị sau:


Tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân ra đời cách đây hai phần ba thế kỷ nhưng luôn mang giá trị trường tồn.
Nếu biết vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của Người thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện không chỉ đi vững, phát triển mà còn có khả năng cạnh tranh cao với thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng. Người thấy rất rõ vai trò của doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong bức thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945 Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này”. Người đã thể hiện một cách nhìn rất biện chứng: coi hoạt động công nghiệp, thương nghiệp là một nghề và có mối quan hệ hữu cơ giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi nhà nước, với quan điểm dân có giàu thì nước với mạnh.

Nắm đằng gốc

Theo Thạc sĩ Lê Thị Hoa, giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội: Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc đào tạo cán bộ. Theo Người, cán bộ là nguồn vốn của nhà nước, “là cái gốc của mọi công việc” và “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đối với vấn đề cán bộ quản lý kinh tế, Người ví như tiền vốn của đoàn thể. Đó chính là điều kiện quan trọng nhất của sản xuất kinh doanh và đảm bảo có lãi. Người quản lý kinh tế giỏi, theo Hồ Chí Minh cần phải có đủ các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức, kiến thức chuyên môn vững vàng, nắm vững lý luận, sâu sát thực tế, có lý trí vững chắc, tình cảm trong sáng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và khoa học, chấp hành đúng pháp luật, hiểu biết về pháp luật. Trong vấn đề quản lý kinh tế, Người đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí mà cán bộ quan liêu là nguồn gốc phát sinh ra lãng phí, tham ô.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước, vấn đề chống tham nhũng, lãng  phí đang là vấn đề nóng hổi nó không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực kinh tế và quản lý kinh tế mà còn là uy tín chính trị của Đảng và Nhà nước, là sự tồn vong của chế độ xã hội. Và những chỉ dẫn của Người về vấn đề này thực sự là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta. Thực tế cho thấy lúc nào và ở đâu vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ quản lý kinh tế thì đều tránh được thiếu sót, tiêu cực xảy ra.

Sử dụng đòn bẩy

Bên cạnh vấn đề then chốt là cán bộ quản lý kinh tế, sinh thời, trong hệ thống tư tưởng về kinh tế, Hồ Chí Minh đã dành một phần không nhỏ cho việc nghiên cứu và đưa ra các quan điểm về việc sử dụng các đòn bẩy kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo động lực xây dựng nền kinh tế mới.

Theo PGS. TS Phan Huy Đường – Chủ nhiệm bộ môn Quản lý kinh tế Trường Đại học Kinh tế – ĐHQG Hà Nội: Người rất coi trọng vai trò động lực của các đòn bẩy kinh tế đó là tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, coi trọng lợi ích vật chất của người lao động, thực hiện công bằng xã hội, cải cách hành chính và trọng dụng tài năng của nhà quản lý.

Thứ nhất, đối với gia tăng sản xuất và thực hành tiết kiệm Người coi “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân”. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Hồ Chí Minh đã quyết định phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và cứu đói kêu gọi nông dân “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay.” Người nhận định: “Sản xuất và tiết kiệm cũng như dòng nước, cải thiện đời sống cũng như chiếc thuyền, nước càng sâu thì thuyền càng cao. Muốn cải thiện không ngừng thì phải không ngừng gia tăng sản xuất và thực hành tiết kiệm.”

Theo Hồ Chí Minh, bên cạnh việc tiết kiệm tích lũy vốn phục vụ sản xuất thì việc huy động vốn trong dân cũng là một biện pháp hữu hiệu trong các đòn bẩy kinh tế. Người yêu cầu: “Huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân nhằm đưa vào sản xuất thì đồng tiền ấy mới sinh sôi, nảy nở và ngày càng thêm nhiều”.

Thứ hai, phải xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế đúng đắn, Người coi đây là biện pháp hàng đầu, đòn bẩy mang tính phổ quát để phát triển kinh tế nước ta. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, Hồ Chí Minh đưa ra yêu cầu, kế hoạch phải có tầm nhìn xa, thấy rộng nhưng khi đi vào thực hiện thì mỗi ngành, mỗi nghề phải rất tỉ mỉ, chu đáo và thật sát với mỗi cơ sở. “Đặt kế hoạch thật tốt, thật sát là rất cần nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành kế hoạch”.

Thứ ba, là coi trọng những động lực về nhu cầu và lợi ích của người lao động. “Có thực mới vực được đạo” – Hồ Chí Minh thấy rất rõ lợi ích cá nhân là: “Phải thực hiện ban khoán một thưởng. Nếu ai thực hiện vượt mức quy định thì được thưởng. Có như thế mới kích thích mọi người cố gắng hơn nữa. Thưởng, phạt phải công bằng.” Theo Người, chính sách tiền lương chính là một trong những đòn bẩy quan trọng bởi tiền lương chính là thước đo giá trị sức lao động mà người lao động bỏ ra. Tiền lương không phù hợp còn là một trong những nguyên nhân của nhiều căn bệnh như: tham ô, tham nhũng…

Thứ tư, cần thực hiện công bằng xã hội trong phát triển kinh tế. Theo Người, thực hiện công bằng xã hội chính là giải quyết mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong xã hội. Bác từng phát biểu “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”.

Thứ năm, chính sách khoán.  Khi nói về chế độ làm khoán, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ.” Khoán là đòn bẩy kinh tế bởi nó có ý nghĩa khuyến khích tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Thứ sáu, Hồ Chí Minh nêu quan điểm phải cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước. Người chỉ ra rằng: giảm đến mức tối thiểu số người làm việc hành chính, tăng cường cho sản xuất trực tiếp.

Trên đây mới chỉ là những lát cắt mỏng về tư tưởng của Hồ Chí Minh đối với doanh nghiệp, doanh nhân nhưng có thể khẳng định di sản lý luận mà Người để lại trong đó có tư tưởng về doanh nghiệp doanh nhân và phát triển kinh tế vẫn còn nguyên tính thời sự. Nếu được vận dụng một cách nhuần nhuyễn đó thực sự là kim chỉ nam dẫn dắt chúng ta trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, tạo cơ sở lý luận cho việc xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Sưu tầm: www.kynang.edu.vn