Mỹ vẫn là thực thể kinh tế mạnh nhất thế giới cho dù thời gian qua có suy giảm do khủng hoảng kinh tiền tệ tài chính. Báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn Ernst & Young ngày 09/7/2012 cho biết trong số 100 công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới thì Mỹ có 43 công ty. Trong số 300 công ty lớn hàng đầu thế giới, Mỹ có 114 công ty, nếu cộng cả Bắc Mỹ tới 129 công ty, đứng hàng đầu thế giới.
Những thông tin về tình hình khủng hoảng tiền tệ tài chính, thất nghiệp trên báo chí gây cho mọi người có cảm giác kinh tế Mỹ yếu kém, các doanh nghiệp Mỹ đang lao đao. Nhưng số liệu thống kê của Công ty tư vấn Ernst & Young công bố ngày 09/7/2012 cho thấy thực lực của các công ty Mỹ vẫn rất hùng hậu và dẫn đầu thế giới.
Năm 2007, trong số 100 công ty có giá trị thị trường hàng đầu thế giới thì Mỹ có 32 công ty, đầu năm 2012 tăng lên 40 công ty, nhưng tới nay đã vọt lên tới 43 công ty. Trong khi đó của châu Âu trước đây là 36 công ty, nay chỉ còn lại 32 công ty, chưa đầy 1/3 trong tổng số.
Số liệu thống kê của Ernst & Young cũng cho biết trong số 5 công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới thì Mỹ chiếm 4. Đứng đầu bảng là Apple, giá trị thị trường tính tới cuối tháng 6/2012 là 546 tỷ USD. Tiếp đó Công ty dầu khí Exxon 400 tỷ USD, thứ ba là Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc, thứ tư là Microsoft, thứ 5 là Walmart. Trong khi đó, Siemen công ty hàng đầu của Đức chỉ có 77 tỷ USD, xếp thứ 74, Facebook của Mỹ vừa mới vươn lên đã đứng thứ 75 ngay sau Siemen của Đức.
Trong số 300 công ty lớn hàng đầu thế giới, có 114 công ty Mỹ, nếu tính cả bắc Mỹ tới 129 Công ty, trong khi đó cả châu Âu và gộp cả các công ty của Nga cũng chỉ có 90 công ty, giảm 8 công ty so với năm 2010. Nếu tính riêng, khu vực eurozone chỉ có 41 công ty trong khi đó giữa năm 2010 có tới 48 công ty. Trong số 100 công ty mạnh nhất thế giới, Đức có 4 Công ty là Siemen, SAP, Volkswagen và BASF.
Thời gian qua khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu lạc quan, các nhà đầu tư thế giới đều đổ xô tới Mỹ, vì thế một số công ty của Mỹ đã chớp thời cơ bứt lên và vượt lên trước trong thời gian ngắn.
Trưởng ban kinh tế của Ernst & Young là Thomas Harms cho biết việc tính giá trị của công ty lấy đồng USD làm đồng tiền tính toán. Việc đồng EUR giảm giá so với đồng USD không có ảnh hưởng gì tới tính toán này mà chủ yếu do khủng hoảng nợ công của châu Âu làm các công ty suy yếu, phá sản, nên số lượng và giá trị cũng theo đó giảm xuống.
Khủng hoảng nợ công châu Âu hiện như “Lưỡi kiếm Damoklis treo lơ lửng trên đầu kinh tế châu Âu.” Chính vì vậy, các nhà đầu tư trên thế giới đều chùn bước trước các công ty của châu Âu. Ngược lại, yếu điểm của châu Âu lại là lợi thế của các công ty Mỹ. Thời gian qua khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu lạc quan, các nhà đầu tư thế giới đều đổ xô tới Mỹ, vì thế một số công ty của Mỹ đã chớp được thời cơ phát triển bứt lên và vượt lên trước trong thời gian ngắn.
Ngoài ra “Văn hóa doanh nghiệp” cũng là yếu tố quan trọng làm doanh nghiệp Mỹ phát triển. Chiến lượcđúng đắn cộng với văn hóa doanh nghiệp là hai yếu tố quan trọng hàng đầu khiến doanh nghiệp Mỹ bứt lên nhanh chóng. Văn hóa doanh nghiệp Mỹ có một số đặc trưng đáng lưu ý.
Thứ nhất, kinh doanh không theo cảm tính mà tuân thủ theo lý tính. Mỹ có truyền thống thực dụng, nên mục tiêu theo đuổi phải rõ ràng, trực tiếp và hiệu quả. Tiếp đó là luật pháp, chế độ, quy tắc, quy phạm… phải rõ ràng và được tính toán cụ thể thông qua các văn bản ký kết hợp đồng.
Thứ hai, rất tôn trọng ý kiến cá nhân, sáng tạo cá nhân, nhân cách giá trị của con người, thừa nhận sự cố gắng và cống hiến của cá nhân để đãi ngộ xứng đáng. Văn hóa này đã khơi dậy và phát huy rất lớn vai trò cũng như tính tích cực, năng lực, tài năng của cá nhân, để họ tự chủ, tự tin, tự trau dồi, tự hoàn thiện mình và tự quyết định vào thời điểm then chốt.
Thứ ba, khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm, dám chịu rủi ro trong đầu tư và kinh doanh.
Thứ tư, mạnh dạn giao quyền cho các cấp trong khi tuyệt đối tôn trọng những quyết sách đã ban hành của cấp cao nhất. Phát huy tính tự chủ, sáng tạo trong quản lý đầu tư kinh doanh và thực hiện các biện pháp cụ thể của các cấp.
Thứ năm, rất coi trọng sáng tạo khoa học kỹ thuật và vận hành chung của cả hệ thống, xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của từng cấp, phân công rõ ràng cụ thể tới từng khâu trong quản lý kinh doanh.
Thứ sáu, tôn trọng khách hàng, thực sự coi khách hàng là “Thượng đế” của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Mỹ đều có khẩu hiệu rõ ràng ở văn phòng làm việc là “chất lượng là sinh mệnh” của công ty, “Khách hàng trên hết”.
Thứ bảy, tôn chỉ cơ bản phấn đấu của doanh nghiệp là: tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra sản phẩm tốt, dịch vụ phải hoàn hảo.
Văn hóa doanh nghiệp cộng với chiến lược kinh doanh đúng đắn đã làm các doanh nghiệp Mỹ luôn vượt lên hàng đầu so với doanh nghiệp của các nước. Đây cũng là bài học chung cho doanh nghiệp các nước.
Sưu tầm: https://www.kynang.edu.vn