Bác Hồ và văn hóa doanh nhân

Cùng với thời gian, chúng ta càng hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã giành thắng lợi cách mạng tháng Tám, chiến thắng hai đế quốc giàu mạnh nhất trong thế kỷ XX để xây dựng một nước VN hùng cường hôm nay.

Coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng, điều đặc biệt là trong những năm đầu của cách mạng vô sản, Người thấy rất rõ vai trò của doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước. Chính vì thế, từ căn cứ Việt Bắc về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang của một trong những gia đình giàu có nhất Hà Nội. Từ ngôi nhà này, Người đã viết “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 18 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp với các nhà Công Thương Hà Nội nhằm tranh thủ sự ủng hộ của những người giàu có, nhờ thế mà Chính phủ đã vượt qua khó khăn về tài chính.

Đánh giá cao vai trò của giới Công thương trong công cuộc xây dựng đất nước, Bác phân tích khúc chiết, thấu tình đạt lý và cam kết ủng hộ đối với hoạt động kinh doanh trong bức thư “Gửi giới công thương VN” ngày 13 tháng 10 năm 1945: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là chủ trương của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngay trong chiều 2 tháng 9 năm 1945, ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ, phát biểu với quốc dân đồng bào “Những phương sách cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa và cứu tế” đã nhấn mạnh:

“Ngày nay để phục hưng nền kinh tế, có người tưởng Chính phủ phải quốc hữu hóa tất cả các công cuộc kinh doanh. Nhưng Chính phủ không làm thế. Chính phủ sẽ kiến thiết nền quốc dân kinh tế để cho ai nấy được tự do kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát”.

Đường lối đúng đắn của Bác và Chính phủ Lâm thời đã tạo nên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn buổi đầu xây dựng chính quyền mới.

Ngày nay chúng ta đã và đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn khi tham gia tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Những vấn đề tưởng như mới mẻ nhưng thực ra, từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm, sẵn sàng hội nhập quốc tế để ổn định và phát triển. Người đã gửi “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” cho Đại Anh quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô…và các nước thành viên Liên hợp quốc đã khẳng định: “VN sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: Một, nước Việt Nam dành sự tiếp nhận đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Hai, nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay, đường sá giao thông cho buôn bán và quá cảnh quốc tế. Ba, nước Việt Nam chấp nhận tham gia hợp tác quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc…”

Nhắc lại điều này cho chúng ta có thêm tự tin, quyết tâm trong công cuộc hội nhập quốc tế, biết nắm lấy vận hội mới, khắc phục những hạn chế để tiếp tục đưa đất nước đi lên “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”.

Công cuộc đổi mới kinh tế do Đảng lãnh đạo là tiếp tục những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kỳ tích chúng ta đạt được tạo nên diện mạo mới khắp mọi miền Tổ quốc. Vai trò xung kích của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước đã được xã hội thừa nhận. Quốc hội khóa XI, tại kỳ họp thứ 3 đã xác nhận: “Doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, xung kích trong sự nghiệp phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.

Nghị quyết của Trung ương ĐCSVN tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 cũng đã khẳng định doanh nhân là một trong bốn lực lượng chủ yếu trong thời kỳ mới của cách mạng: “Bổ sung và hoàn chỉnh chủ trương, biện pháp xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.

Hai mươi năm qua, lực lượng doanh nhân nước ta lớn nhanh về mọi mặt. Chúng ta đang phấn đấu để đến năm 2010 cả nước có 500.000 doanh nghiệp. Họ sẽ là lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Đó cũng là lý do, chúng ta hiểu vì sao, hàng năm, ngày 13 tháng 10 – ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương, trở thành Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Chương trình đào tạo xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Cuộc Sống Đúng Nghĩa

Sưu tầm: https://www.kynang.edu.vn