Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương: Tôi nỗ lực kinh doanh vì trách nhiệm xã hội

“Đối với người nước ngoài, họ không quan tâm đến giàu nghèo. Họ đam mê sự chinh phục”.

tran-ba-duong

Trong bài phỏng vấn với chúng tôi mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco đã có những chia sẻ hết sức cởi mở về những điều khiến ông hạnh phúc, tâm đắc & sự đam mê trong kinh doanh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng con đường kinh doanh của ông có điểm gì vui, ông Trần Bá Dương chia sẻ, mỗi giai đoạn sẽ có những tôn chỉ khác nhau.

“Giai đoạn 1 được đánh dấu khi vừa mới ra trường, bắt đầu đi làm. Lúc đó, tôn chỉ của mình chỉ là kiếm tiền để phụ giúp gia đình, nuôi sống bản thân, và lo được gia đình bằng năng lực của mình.

Giai đoạn 2 là khi ta đã nhận thức được rằng ta hạnh phúc khi ta đạt được thành công. Hạnh phúc là cảm giác biến giấc mơ thành hiện thực. Hạnh phúc là khi làm được những việc lớn, mang lại lợi ích, giá trị cho nhiều người, cống hiến lớn cho xã hội.

Ngày hôm nay, niềm vui của tôi là làm được nhiều việc, cống hiến được nhiều giá trị. Giờ đây, đó không chỉ là niềm vui cá nhân, mà còn là trách nhiệm. Mình cảm thấy có những việc mình làm sẽ hiệu quả hơn người khác. Nếu mình không làm việc đó thì tự mình cảm thấy có lỗi với xã hội, với đất nước”.

Chia sẻ về quan điểm giữa công việc và thú vui trong cuộc sống, ông Dương nói: “Tôi nỗ lực kinh doanh vì trách nhiệm xã hội, vì triết lý kinh doanh của Thaco là tạo ra giá trị phục vụ thông qua sản phẩm và dịch vụ của mình. Vì vậy tôi thấy có lỗi với đất nước, xã hội nếu không tiếp tục làm việc.

Tôi chỉ nghĩ rằng mình phát triển doanh nghiệp, thông qua phát triển doanh nghiệp là phát triển con người, phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, rủi ro là nếu tôi làm sai thì người trả giá lớn nhất lài bản thân tôi, sau nữa là gia đình tôi”.

Nói thêm về thú vui trong cuộc sống, ông Dương so sánh bản thân với doanh nhân nước ngoài, những người mà theo ông là sẵn sàng chấp nhận cái chết khi theo đuổi đến cùng những đam mê.

“Tôi vẫn hay suy nghĩ và so sánh, tôi tự thấy mình chưa là gì so với doanh nhân nước ngoài. Các doanh nhân nước ngoài, ví như ông chủ DHL vẫn đam mê thám hiểm, đam mê trò chơi. Họ giàu, họ vẫn có những đam mê riêng. Họ sẵn sàng chấp nhận đối diện với cái chết khi theo đuổi đam mê.

Đối với người nước ngoài, họ không quan tâm đến giàu nghèo. Họ đam mê sự chinh phục. Những chuyến thám hiểm đến Bắc Cực, Everest là một hành trình dài. Người ta phải nghiên cứu, tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng mới có thể tới đó được và trở về nhà trong an toàn. Sự chinh phục này họ trả giá 50/50.

Họ chinh phục những đỉnh cao đó chính là chinh phục chính mình. Khi đến được đích thì vinh quang của họ là chính họ. Nếu không trở về được, họ chấp nhận chết ở Bắc Cực, bỏ mạng ở Everest”.

“Làm doanh nhân cũng giống như đi thám hiểm, đó là cảm giác chinh phục đam mê. Khi bắt đầu làm việc gì đó, có thể việc đó rất khó khăn, 5 ăn, 5 thua. Nhưng khi làm được rồi, ta sẽ thấy như đã chinh phục chính bản thân mình”, ông Dương kết luận.

Vân Đàm

Theo Trí Thức Trẻ