GIA ĐÌNH LUÔN VUI VẺ CON CÁI ĐƯỢC HƯỞNG LỢI GÌ?

Một trong những bí quyết giúp gia đình hạnh phúc là luôn tạo ra nhiều tiếng cười và niềm vui trong ngôi nhà của mình. Thật vậy, sự vui vẻ, lạc quan khg phải là khả năng bẩm sinh. Đối với trẻ em, niềm vui được duy trì trong gia đình sẽ giúp trẻ thông minh, biết yêu thương chia sẻ, biết cảm thông, có trách nhiệm với gia đình và các tập thể mà các em tham gia sau này. Chỉ có môi trường tuyệt vời của gia đình mới có thể mang đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Vì vậy tôi muốn chia vài thông tin từ trải nghiệm cùng với những kiến thức góp nhặt được về những lợi ích mà con cái chúng ta được hưởng từ một gia đình hạnh phúc, luôn đầy ắp tiếng cười.

Sự vui vẻ được mang lại từ một môi trường sống nhẹ nhàng, thoải mái là điều kiện trước tiên để trẻ có thể chất và tinh thần khỏe mạnh.

Y học cho rằng: khi vui, khi được yêu thương, âu yếm, khi đạt được điều gì ta mong muốn…, cơ thể sẽ tiết ra các hormone: Dopamine, Serotonin, Oxytocin và Endorphins.. Những hormone này giúp cơ thể cảm nhận cuộc sống hạnh phúc, hiệu quả, đầy hứng khởi và lạc quan.

Niềm vui, sự lạc quan, hứng khởi có từ đâu?

– Từ một gia đình luôn vui vẻ, tràn ngập tình yêu thương, đó là điều kiện quan trọng hàng đầu. Con trẻ được chào đón trong sự vui mừng của bố mẹ khi biết cơ thể mình đã bắt đầu cưu mang một sinh linh bé nhỏ. Khi được sinh ra, con lại được chào đón trong sự vui mừng của cả gia đình, người thân là niềm vui được “gieo mầm” khi đứa trẻ xuất hiện.

– Thời kỳ ấu thơ, trò chơi là thứ giúp trẻ phát triển trí tuệ và mang lại rất nhiều kiến thức, kỹ năng và niềm vui cho trẻ. Tôi hoàn toàn đồng ý với Cô Ái Liên: “Đối với trẻ mọi lúc đều là giờ chơi, mọi nơi đều là chỗ chơi, mọi việc đều là trò chơi, mọi thứ đều là đồ chơi và mọi người đều là bạn chơi”. Đây là nơi mang lại niềm vui lớn nhất cho trẻ.

– Từ sách, từ những câu chuyện cha mẹ kể cho con nghe: Ngoài việc thắt chặt mối quan hệ cha mẹ-con cái, tăng khả năng ngôn ngữ, khả năng tư duy, tạo nền tảng học tập tốt… Sách hay truyện tranh, các chương trình giải trí lành mạnh mang lại niềm vui cho trẻ qua cách cha mẹ tiếp xúc với trẻ khi kể chuyện hay đọc sách, nội dung câu chuyện, các trò chơi diễn kịch, đóng vai dựa trên các câu chuyện đã đọc mang lại rất nhiều niềm vui cho trẻ.

– Từ các môn nghệ thuật: Âm nhạc, làm thơ, trồng cây cảnh, yêu các loài động vật…, nét đẹp của nghệ thuật làm cho trẻ thêm dễ thương, xinh đẹp và tâm hồn thêm phong phú. Chắc chắn trẻ sẽ vui thôi!

– Từ lòng cảm thông, chia sẻ, biết đặt địa vị của mình vào địa vị của người khác để suy xét vấn đề. Ta thử hình dung một đứa trẻ chỉ có một chiếc bánh nhưng vì thương em, biết em rất thích chiếc bánh này, con nhường chiếc bánh ấy cho em … thử hỏi lúc này trẻ vui biết bao nhiêu!

– Từ sự cố gắng: Mọi đứa trẻ đều thích làm việc, giúp mẹ làm việc nhà và hoàn thành tốt công việc là niềm vui sướng của trẻ. Thêm một cuốn sổ ghi lại những thành tích của trẻ thì niềm vui còn được nhân lên gấp bội.

– Từ ánh nắng mặt trời: việc chơi đùa, làm vườn hay bất kỳ hoạt động ngoài trời nào đều giúp trẻ hấp thụ vitamin D. Vitamin này giúp hấp thu canxi và photpho thuận lợi cho sự phát triển của hệ xương và răng. Ngoài ra nó còn bảo vệ hệ thần kinh thông qua việc tác động và phóng thích các chất dinh dưỡng cho não. Sự tổng hợp vitamin D giúp cơ thể tăng cường việc sản sinh serotonine giúp tâm trạng vui vẻ, phấn khích, dễ cảm thấy hạnh phúc, ngăn chặn stress.

– Từ dinh dưỡng: Một số thức ăn giàu vitamin B, Omega 3, Omega 6… giúp nâng cao sức khỏe tâm thần, tăng cường khả năng nhận thức và giúp tinh thần sảng khoái, sẵn sàng cho các hoạt động trí não tiếp theo, đó là: Cá hồi, trứng, bơ đậu phộng, ngũ cốc, yến mạch, các loại trái cây nhiều Vitamin C và các chất chống oxy hóa như: Trái dâu, cam, anh đào, việt quất, mâm xôi…, các loại rau nhiều màu sắc, ya-ua, các loại thịt nạc…

– Từ việc luyện tập vận động thường xuyên. Tuy nhiên, cần cho trẻ hoạt động và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.

– Sự vui vẻ lạc quan khiến ta luôn dùng ngôn ngữ tích cực và như vậy sẽ có tư duy tích cực: Trẻ vui vẻ, lạc quan vì não sẽ sản xuất serotonin khi chúng ta nhớ những ký ức vui vẻ, hạnh phúc. Chúng ta nên dùng những câu nói tích cực với con, những câu nói ở thể xác định, thưởng phạt hợp lý, tránh la mắng, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của con và đặc biệt không bao giờ so sánh con với anh, chị, em hay với “con nhà người ta”.

Làm thế nào để duy trì niềm vui trong gia đình?

  • Để gia đình luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương, cha mẹ phải là người hạnh phúc và luôn có ý thức bảo vệ niềm vui trong gia đình, thấu hiểu bản thân, luôn giữ tâm hồn an lạc thư thái, suy nghĩ tích cực, không dễ cáu giận ngay cả khi gặp khó khăn, thất bại trong cuộc sống, tôn trọng con cái ngay cả khi con phạm lỗi hoặc bị điểm xấu.
  • Cha mẹ kiên trì giải đáp những thắc mắc của con. Chúng ta nên đặt câu hỏi ngược lại cho con trả lời. Tuy nhiên, điều này thỉnh thoảng cũng không dễ dàng, ngoài kinh nghiệm, chúng ta cần tham khảo sách, báo và cả Google nữa.
  • Cha mẹ có khả năng sắp xếp, hoạch định tài chánh cho gia đình: Đối với những gia đình có điều kiện thì vấn đề này không quá phức tạp. Tuy nhiên, những gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp hơn thì Cha mẹ cần tiết kiệm, cân nhắc chi tiêu, để tránh khủng hoảng, thiếu thốn. Khi tài chính ổn định, gia đình sẽ vui vẻ, thoải mái hơn.
  • Khg nên mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ, thay vào đó nên cho trẻ ra ngoài thiên nhiên, đi du lich cùng Cha mẹ, đọc sách, cùng làm việc với cha mẹ…
  • Một cuộc sống khoa học: Khi Cha mẹ có cuộc sống tích cực, có kế học công việc, có mục tiêu phấn đấu sẽ giúp trẻ hình thành một lối sống có mục đích và định hướng rõ ràng. Mọi công việc hay sinh hoạt của gia đình khg bị chồng chéo hay xáo trộn, và đương nhiên cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, dễ chịu và vui vẻ hơn.
  • Tránh ăn uống quá no, quá khuya dạ dày phải làm việc quá sức, trẻ dễ cáu giận và tệ hại hơn là não sẽ phản ứng chậm… Ăn quá nhiều, ăn uống khg điều độ, hay ăn vặt, lười vận động dễ khiến trí não trở nên đần độn, trẻ dễ trở nên xấu tính, đôi khi còn sinh bệnh. Như vậy trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, khg thể chơi đùa, đọc sách… Cha Mẹ lúc này phải dành nhiều thời gian chăm sóc trẻ và như vậy thì cả Cha Mẹ và con trẻ sẽ khg thể vui vẻ được. Duy trì thói quen ăn uống điều độ, uống nhiều nước sẽ giúp trẻ năng động và vui vẻ hơn.

Gia đình luôn vui vẻ, trẻ được hưởng lợi gì?

  • Được chăm sóc sức khỏe tâm – thân- trí. Ổn định về mặt cảm xúc – là tiền đề của mọi thành công sau này
  • Giúp trẻ hình thành thói quen sống có mục đích và định hướng rõ ràng, biết cách tổ chức cuộc sống tạo cho trẻ nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
  • Trẻ sống trong một gia đình vui vẻ, hạnh phúc, được đối xử trong tình yêu thương và tôn trọng. Điều này dạy trẻ biết hợp tác, dễ kết nối với xã hội và dễ dàng ứng phó với những khó khăn, thử thách có thể thích nghi được với nhiều cách sống, biết yêu thương và tử tế với người khác.
  • Cuộc sống vui vẻ lạc quan dễ dàng tạo nên lối tư duy tích cực, giúp con vượt qua stress dễ dàng hơn, giảm thiểu các bệnh như tim mạch, huyết áp, trầm cảm… giúp ích nhiều trong việc học tập, khơi gợi niềm đam mê trong học tập.

Chúng ta không muốn sống trong sự tiêu cực nhưng cuộc sống không phải là những chiếc giường trải toàn hoa hồng. Đó lý do tại sao chúng ta cần nhận thức rõ sự ảnh hưởng của gia đình với cuộc sống của trẻ em.

Những thử thách, hành động, suy nghĩ tiêu cực của Cha mẹ luôn ảnh hưởng lên con cái mà đôi khi cuộc sống khó khăn khiến chúng ta thiếu hoặc không thể kiểm soát được. Điều này có thể làm tổn thương tinh thần của con trẻ. Con có thể trở nên thiếu tự tin do ảnh hưởng của sự sợ hãi trong tâm trí tiềm thức của con. Hệ quả là con sẽ bị giới hạn đáng kể và khó thành công trong cuộc sống, vì thiếu niềm tin hoặc nghi ngờ khả năng của mình. Thêm vào đó, một tuổi thơ trong một gia đình không hạnh phúc với bầu không khí cảm xúc không ổn định có thể là lý do các chấn thương tâm lý và xúc cảm khác nhau sẽ làm cho cuộc sống của đứa trẻ khó khăn hơn.

Tóm lại, tôi muốn nói rằng một gia đình luôn tràn đầy tiếng cười hạnh phúc phải là ưu tiên chính trong mọi hoạt động của gia đình, vì nó là nhân tố quan trọng trong sự thành công của cả con cái và cha mẹ. Một cuộc sống hạnh phúc đòi hỏi phải làm việc liên tục để xây dựng sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau trong mối quan hệ gia đình và những người xung quanh. Nuôi dưỡng truyền thống gia đình và các giá trị sống là cách tốt nhất để mở rộng tầm nhìn của con cái chúng ta. Vì muốn con mình là một người thành công và tự tin, trước hết, chúng ta phải tạo ta một gia đình với đầy ắp tiếng cười hạnh phúc trong sự yêu thương và tương kính lẫn nhau nhé!

Cầu chúc gia đình chúng ta luôn tràn đầy niềm vui và tiếng cười.

Ms. Châu