Dấn thân hành động

Có rất nhiều người sau khi tôi đã hỗ trợ và hướng dẫn họ chi tiết cách thức lập Kế hoạch cuộc đời cho chính mình xong thì họ cũng đã ít nhiều hoàn thành xong bản phác thảo kế hoạch cho riêng mình nhưng rồi họ lại tiếp tục hỏi tôi công việc tiếp theo sau khi lập kế hoạch là gì?
Và tôi chỉ trả lời ngắn gọn rằng: “Bây giờ là lúc để các bạn dấn thân hành động và bắt tay thực hiện tất cả những gì mà bạn đã lên kế hoạch trước đó để biến ước mơ, ý tưởng trên giấy thành hiện thực”. Có một thực tế là có quá nhiều người trong chúng ta không chịu xắn tay áo lên và hành động trong khi vẫn mong muốn những kết quả tốt đẹp sẽ đến với mình. Đây là chuyện không tưởng!

Và thực tế có thể minh chứng cho điều đó, các bạn hãy nhìn những vật dụng xung quanh mình. Trước khi xuất hiện, nó đơn thuần chỉ là những ý tưởng, những bản vẽ được thiết kế trên giấy. Chỉ khi con người thực sự bắt tay vào hành động thì những vật dụng ấy mới hiện hữu trong cuộc sống hiện tại và phát huy tất cả những tính năng, giá trị sử dụng của nó để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của con người. Nếu như Edison không bắt tay vào hành động với hơn 10.000 lần thử nghiệm thất bại thì liệu rằng chúng ta có được bóng đèn để sử dụng như ngày hôm nay không? Câu trả lời đã rõ. Vậy thì, kế hoạch cuộc đời của mỗi chúng ta cũng như vậy, nó vẫn chỉ mãi là kế hoạch trên giấy hay chỉ đơn thuần là ý tưởng trong đầu nếu các bạn không thực sự quyết tâm hành động theo những lộ trình mà mình đã vạch ra.
Bây giờ, chúng ta cùng nhìn lại và kiểm điểm bản thân xem đã bao nhiêu lần chúng ta lập kế hoạch công việc xong rồi thì để đó và không hề đả động gì đến nó hoặc có làm thì cũng làm cho lấy lệ chứ không thật sự quyết tâm và làm hết trách nhiệm để hoàn thành kế hoạch theo đúng chỉ tiêu đã đề ra. Khi đó, chất lượng và hiệu quả công việc của chúng ta luôn dưới mức trung bình là điều khó tránh khỏi. Và cứ nhiều lần như vậy, chúng ta lại bị đánh giá là không có năng lực. Nhưng thực sự có phải là chúng ta không có năng lực? Câu trả lời là không và chính hành động yếu ớt, không thực sự quyết tâm và đủ sự mạnh mẽ, quyết đoán đã vô tình bào mòn và thui chột tài năng của chúng ta.
Và kịch bản lại một lần nữa lặp lại: Cứ sau mỗi sai lầm chúng ta lại tự hứa với lòng mình là sẽ thay đổi bằng cách hành động quyết liệt hơn. Nhưng khi tiếp tục vào những tình huống thực tế của cuộc sống thì chúng ta lại trở nên dễ dãi với bản thân và luôn để mình rơi vào trạng thái “nước tới chân mới nhảy”. Rõ ràng việc chiến thắng chính mình là một việc không hề dễ dàng. Đúng như ai đó đã từng nói: “Chiến thắng bản thân mình là chiến thắng huy hoàng nhất”. Để có thể làm được điều đó thì chúng ta phải cam kết và chịu trách nhiệm 100% về bản thân mình. Lý do khiến chúng ta chần chừ, do dự là do chúng ta không bao giờ thấy hết được hậu quả và những hệ lụy sẽ kéo theo nếu chúng ta không hành động. Do vậy một cách để tạo động lực, giúp chúng ta hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra chính là nhìn trước những hậu quả xấu nhất có thể nếu chúng ta không thực sự quyết tâm làm việc hết mình như việc sẽ bị kỷ luật trước toàn thể nhân viên hay sẽ bị trừ lương vào cuối tháng chẳng hạn. Việc hình dung ra những hậu quả ấy sẽ khiến chúng ta dường như bị dồn vào bước đường cùng và bị buộc vào cái thế “không thể không hành động” và khi đó, hành động của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Có khi nào bạn nhận thấy rằng mình đã không hành động và bỏ công sức nhiều nhưng vẫn đạt được kết quả như mong muốn, đôi khi lại vượt xa sự mong đợi. Có thể bạn nhầm tưởng đó là do năng lực của bạn quá tuyệt vời: Không cẩn phải bỏ nhiều công sức mà vẫn đạt được kết quả như mong muốn mà quên phân tích những lý do khách quan tác động đến kết quả đó để biết đâu mới thực sự là căn nguyên gốc rễ của vấn đề. Bạn quên xem xét rằng: Để đạt những kết quả đó, bạn đã được sự hỗ trợ của những ai? Những điều kiện thuận lợi nào đã giúp bạn nhanh chóng đạt hiệu quả trong công việc? Chính vì thói quen dành quá ít thời gian trong việc nhìn nhận lại bản thân cho nên nhiều người mang tâm lý chủ quan trước một số công việc tương tự như những công việc trước đây. Bởi lẽ, tính chất công việc có thể giống nhau nhưng cách thực hiện công việc trong từng điều kiện, bối cảnh và môi trường là hoàn toàn khác biệt. Đó cũng là sai lầm mà rất nhiều người phạm phải nhưng không phải ai cũng đủ sáng suốt để nhận ra và đủ dũng cảm để nhận khuyết điểm, sai lầm đó về mình.
Cuối cùng, Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng: Không điều gì tự nhiên mà có và mọi thứ điều có giá trị tương xứng với công sức bạn bỏ ra. Vì thế, hãy luôn hành động và tiến về phía trước. Đó là cách duy nhất và nhanh nhất để bạn hiện thực hóa những ước mơ của mình.
Chuyên gia đào tạo Trần Đình Tuấn ( www.trandinhtuan.edu.vn )
Người Sáng lập và Điều hành Trung Tâm Tư Vấn Và Đào Tạo Cuộc Sống Đúng Nghĩa ( www.cuocsongdungnghia.com )
Các khóa học thường xuyên đào tạo tại các Doanh nghiệp  :
Khóa học bán hàng – khóa học thuyết trình – khóa học giao tiếp ứng xử
xem thêm: