Nhật Bản muốn cân bằng công việc và cuộc sống

Tokyo đặt mục tiêu nâng tỉ lệ người lao động nghỉ phép hưởng lương lên 70% vào năm 2020

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét buộc nhà tuyển dụng cho người lao động nghỉ phép hưởng lương hằng năm nhằm giảm tình trạng quá tải cũng như giúp họ cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn.

Theo quy định hiện tại, những người “cày” liên tục trong ít nhất 6 tháng hoặc 80% số giờ làm việc mỗi năm sẽ được nghỉ phép hưởng lương 10-20 ngày. Nhân viên bán thời gian cũng được hưởng chế độ này nếu làm việc 5 ngày/tuần. Tuy nhiên, nhân viên sẽ tự quyết định chuyện nghỉ phép và nhà tuyển dụng không bị phạt nếu nhân viên không yêu cầu nghỉ phép. Điều này khiến tỉ lệ nhân viên nghỉ phép không cao.

thu bac
Nhiều người lao động Nhật Bản ngại nghỉ phép vì công việc quá nhiều Ảnh: Rocket News24

Theo một khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản, tỉ lệ người lao động nghỉ phép hưởng lương chỉ đạt 48,8% trong năm 2013. Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng tỉ lệ này lên 70% vào năm 2020. Trong khi đó, theo cuộc khảo sát do Viện Chính sách lao động và đào tạo Nhật Bản thực hiện năm 2011, khoảng 66% người được hỏi cho rằng việc nghỉ phép sẽ gây phiền phức cho đồng nghiệp. Ngoài ra, 52,7% người cho biết họ không có thời gian nghỉ phép do công việc quá nhiều.

Vì thế, một dự luật đang được cân nhắc, theo đó, nhà tuyển dụng có trách nhiệm chọn thời điểm để người lao động nghỉ phép hưởng lương hằng năm. Theo báo Yomiuri, nội dung dự luật này, trong đó quy định cả số lượng ngày phép hưởng lương, dự kiến được đưa ra bàn thảo khi quốc hội nhóm họp từ ngày 26-1 tới. Đối với những doanh nghiệp không trả lương theo giờ làm việc mà dựa trên hiệu quả, dự luật cũng đề ra các biện pháp bảo đảm sức khỏe người lao động, như giới hạn giờ làm việc tại văn phòng.

Bước đi này diễn ra trong bối cảnh các trường hợp tử vong vì làm việc quá sức không hề xa lạ đối với người dân Nhật Bản. Hồi tháng 11-2014, một tòa án đã buộc một chuỗi nhà hàng bồi thường 58 triệu yen cho cha mẹ của một thanh niên 24 tuổi, người tự sát sau khi bị buộc làm việc thêm gần 200 giờ/tháng.

Sưu tầm: kynang.edu.vn