8 điều cần phải có để cuộc sống cân bằng và thành công

Một cuộc sống cân bằng có phải là khi bạn cảm thấy bình an trong tâm hồn, không phải lo lắng về vấn đề tài chính, ăn ngủ điều độ, không bệnh tật…?

Theo chuyên gia đào tạo và tư vấn Malaysia Jes Izman Izaidin, người đã viết ra chương trình đào tạo nổi tiếng “Nhận thức để thay đổi” (Awareness Before Change-viết tắt là ABC) mà Công ty Tư vấn và Đào tạo SALT giữ bản quyền ở Việt Nam, tình trạng cân bằng hiện tại sẽ được đánh giá qua “bánh xe cuộc đời” gồm: tâm linh, trí tuệ, tình cảm, thân thể, gia đình, nghề nghiệp, tài chính, cộng đồng.

Chương trình tuy đến Việt Nam đã 15 năm nhưng mới chỉ dành huấn luyện cho các lãnh đạo, nhân viên ở các tập đoàn, công ty lớn… (với 180 lớp và 10.000 học viên).

Khóa học đầu tiên của chương trình dành cho các cá nhân vào ngày 23-24/8, tại Hà Nội. Các học viên đã được chuyên gia tư vấn 8 bí quyết cần có để cuộc sống cân bằng thành công, bao gồm:

1. Cuộc sống tâm linh:

Tâm linh là những điều (không nhìn thấy) mà bạn tin tưởng. Nếu có niềm tin về con người và cuộc sống, về những điều tốt đẹp tức là bạn có tâm linh.

Mỗi ngày, trước những tin tức tiêu cực tràn lan trên mặt báo, phải đối mặt với áp lực cuộc sống… nhiều người tỏ ra bi quan, chán nản, thậm chí nhiều bạn trẻ còn mất niềm tin trầm trọng vào những cái gọi là giá trị sống. Là bởi họ đang để cho những cảm xúc tiêu cực trấn áp, làm chủ và chi phối tiềm thức của mình, mà tiềm thức lại tạo ra hành động. Đương nhiên những người đó sẽ khó giải thoát được trí óc khỏi nguồn năng lượng tiêu cực do chính mình tạo ra.

Đã bao giờ bạn tự hỏi mình tin vào điều gì chưa?

Tôi hy vọng câu trả lời là “có.” Vì niềm tin đó sẽ dẫn bạn thoát khỏi những “đường hầm tăm tối.” Bạn có tâm linh là sẽ có tinh thần khỏe mạnh.

2. Cuộc sống trí tuệ:

Người có trí tuệ không phải là người sở hữu chỉ số IQ cao mà là người không ngừng trau dồi kiến thức, tri thức mỗi ngày; ham tìm tòi về cuộc sống để làm đầy thêm sự hiểu biết của bản thân… Một người có trí tuệ sẽ không bao giờ bằng lòng với những hiểu biết mình đang có mà luôn có nhu cầu học hỏi, khám phá cái mới.

Tôi có cô bạn là tiến sỹ triết học khi mới 27 tuổi. Cô dành cả tuổi xuân để nghiên cứu chuyên môn ở Trung Quốc và được gắn mác “tiến sỹ triết học” khi trở về Việt Nam. Rõ ràng cô ấy tri thức đầy mình, hiểu biết đầy mình về lĩnh của cô, lại thông minh, nhạy cảm…

Không chỉ đi giảng dạy, phiên dịch, kinh doanh… cô còn làm thơ, chơi đàn, học múa đương đại… Tôi vẫn thầm coi cô ấy là “giáo sư biết tuốt,” người chẳng bao giờ tỏ ra ngạo mạn hay hơn người khác về sự uyên bác của bản thân, mà luôn khiêm nhường, hòa nhập để học hỏi và sẵn sàng lắng nghe mọi người quanh mình. Những người như thế được coi là có cuộc sống trí tuệ phong phú.

3. Cuộc sống tình cảm:

Tình cảm (chỉ số tình cảm – EQ) là một trong tám “bánh xe” quan trọng của cuộc đời bạn. Muốn thành công bạn phải có EQ cao, vì chỉ số này giúp bạn có khả năng ảnh hưởng, chi phối, thậm chí kiểm soát người khác (nhưng trước đó bạn phải biết kiểm soát được EQ của chính mình đã). Vì thế hãy đừng ngại tạo cho mình những cảm xúc mãnh liệt và giải phóng ra khỏi cơ thể, thậm chí lây lan cảm xúc đó cho những người khác.

Bạn có biết điều gì tạo nên sự khác biệt giữa trẻ con và người lớn không? Đó chính là những đứa trẻ làm gì cũng bằng tất cả niềm đam mê, say mê. Chúng ham muốn khám phá cuộc sống bằng thái độ đầy thích thú vì mọi thứ với chúng luôn mới mẻ.

Người lớn nếu còn nuôi dưỡng được niềm say mê như con trẻ chắc chắn sẽ thành công.

4. Cuộc sống thể chất:

Hiện tại, bạn cảm nhận thế nào về cơ thể mình? Khỏe khoắn hay yếu ớt, linh hoạt hay trì trệ, có nhu cầu hoạt động hay lười nhác…?

Cách tốt nhất để chăm sóc và thể hiện rằng bạn yêu quý thân thể mình là hãy tích cực rèn luyện. Hãy chọn một hay nhiều hơn một môn thể thao nào bạn thấy phù hợp để tăng cường sức khỏe. Đó cũng là cách tự khám phá bản thân. Rèn luyện thể thao là cách đẩy lùi bệnh tật.

Hãy kiểm soát sức khỏe thể chất của bạn bằng các chỉ số cơ thể như: BMI (Body Mass Index); WHR (Waist To Height Ratio); BFP (Body Fat Percentage); EE (Energy Expenditure)…

5. Cuộc sống gia đình:

Là phần không thể thiếu trong đời mỗi người. Có bao giờ bạn tự hỏi, mình đã dành đủ thời gian và sự quan tâm cho những người thân yêu – nơi đưa bạn vào đời và cũng là nơi đón bạn trở về mỗi khi bạn thành công hay thất bại.

Tròn đạo hiếu với ông bà, bố mẹ; tròn trách nhiệm, nghĩa vụ với vợ chồng, con cái… sẽ là bàn đạp giúp bạn thành công hơn trên con đường sự nghiệp.

6. Cuộc sống nghề nghiệp:

“Bánh xe” nghề nghiệp có lăn đều được không là do cách bạn lựa chọn và thái độ với công việc của mình. Nếu dành tâm sức cho nó và coi đó là lẽ sống để cống hiến chắc chắn bạn sẽ sớm hái được “quả ngọt.”

7. Cuộc sống tài chính:

Tiền với nhiều người là mục tiêu tối thượng, là thước đo cho sự thành đạt, vì thế họ dành cả đời để làm giàu. Với bạn, tiền có quan trọng không? Bạn làm gì để có tiền? Và có tiền rồi bạn sẽ làm gì?

Vâng, chắc chắn câu trả lời sẽ là tiền rất quan trọng, với bất kỳ ai. Con người thích tiền không phải vì bản thân đồng tiền ấy mà vì tiền là phương tiện giúp thỏa mãn mọi nhu cầu cho con người. Và chắc chắn, muốn có tiền người ta sẽ phải làm mọi việc có thể để ra tiền.

Nhưng có tiền rồi thì sao? Câu hỏi này sẽ cho thấy sự khác biệt giữa cách sử dụng đồng tiền của người giàu và người bình thường (ở đây tôi chỉ tạm chia thành hai thái cực như vậy).

Người bình thường sẽ nghĩ cách tiêu tiền, nghĩ đến việc hưởng thụ. Còn người giàu, họ sẽ nghĩ đến việc làm thế nào để “tiền đẻ ra tiền,” rồi mới chi dùng khoản lợi nhuận đó.

Bạn có bình an, thanh thản về vấn đề tài chính hay không? Để có được độc lập về tài chính, điều quan trọng là bạn hãy học cách tiêu tiền một cách thông minh (Smart Money), biết kiểm soát nguồn tài chính của mình.

8. Cuộc sống cộng đồng:

Mối quan hệ của bạn với những đồng nghiệp, bạn bè và thái độ của bạn với xã hội thế nào? Bạn có sống vui vẻ và hòa nhập hài hòa với cộng đồng của mình không?

Bạn biết đấy, mỗi cá nhân không thể là những cá thể biệt lập mà luôn cần có sợi dây liên kết với những người xung quanh. Bạn sẽ chẳng là gì cả nếu chỉ có một mình, nhưng bạn sẽ là tất cả nếu giá trị của bạn được cộng đồng ghi nhận.

Tám phần “bánh xe” này nếu biết cân đối đủ, hài hòa sẽ giúp bạn có một cuộc sống cân bằng. Hãy nhớ, cân bằng để thành công!

Nhận thức để thay đổi (Awareness Before Change – gọi tắt là ABC) là chương trình về sức mạnh tinh thần đầu tiên và duy nhất có bản quyền tại Việt Nam, đã và đang phổ biến trên thế giới, dành cho những người mong muốn có cuộc sống hạnh phúc hơn, sống có mục tiêu, lý tưởng, biết yêu thương và hướng thiện với ý chí mạnh mẽ và lòng quyết tâm, kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng trong cuộc đời. 

Ở châu Á, chương trình đã có mặt tại 10 quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Philipines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Xuân Mai